CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Trần Mỹ Duyệt

“Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam. Tiếng lòng tha thiết con dân nước Nam hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng Anh Hùng xưa đã thắng gian lao tòa cao chói lói trên trời hiển vinh muôn đời. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng Anh Hùng. Nay chiến thắng khải hoàn trên nơi phúc vinh sáng ngời”.[1]

Mỗi lần lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những dòng nhạc trên lại vang lên, kéo theo những cảm xúc bùi ngùi gợi nhớ lại một thời mà các vị anh hùng đức tin, cha ông của chúng ta đã sống, và đã chết vì niềm tin của mình.       

Do sự chối bỏ và thù ghét Thiên Chúa, người ta đã giết hại các ngài. Trải qua các thể kỷ, mọi thời đại, mọi nơi trên thế giới, hàng hàng, lớp lớp những anh hùng tử đạo đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì đức tin, vì tình yêu mến Thiên Chúa. Lịch sử Giáo Hội cho biết, ngay từ sơ khai thời các Tông Đồ những cuộc bắt bớ, bỏ tù, tra tấn và chém giết đã xảy ra đối với các ngài và những ai theo chân Chúa Kitô. Thân xác các ngài tuy bị giết, nhưng linh hồn các ngài ở trên Thiên Đàng. Và đó là lý do tại sao chúng ta cử hành lễ mừng kính các ngài.  

Chúa Kitô đang ở trên thiên đàng, Đấng đã được sinh ra trên mặt đất để những người dưới đất có thể được sinh ra trên thiên đàng. Chúng ta tôn kính, cầu xin các vị tử đạo vì gương sáng và cái chết anh hùng của các ngài để củng cố niềm tin của chúng ta. Cái chết của các ngài cũng cho chúng ta biết rằng, Kitô hữu là những người được tuyển chọn bởi Thiên Chúa, để có thể bắt chước Chúa Kitô trong cuộc sống, và chúng ta cũng có thể được ban thêm ơn chết vì Ngài.  

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam  

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam hơn 300 năm bị cấm cách, bắt bớ qua 53 sắc lệnh khởi đi từ những năm 1625 thời chúa Sãi – Nguyễn Phước Nguyên, kéo dài đến các triều đại Nhà Nguyễn gồm Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã bị giết vì đạo. Trong số đó có 117 vị đã được tôn phong Hiển Thánh, [2] và 1 vị được tôn phong Chân Phước. [3] Các ngài là những nhân chứng về cuộc đời của Chúa Kitô và đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì niềm tin của mình.  

Tại sao các ngài được gọi là tử đạo? Tử đạo là một người tự nguyện chấp nhận cái chết hơn là chối bỏ tôn giáo của mình bằng lời nói hoặc việc làm. Đối với các vị Tử Đạo Việt Nam, hành động chối bỏ rõ ràng nhất là “bước qua thánh giá”, hoặc “đạp trên thánh giá”. Lòng trung kiên này phải trả bằng mạng sống. Danh xưng tử đạo cũng có thể chỉ về những người đã hy sinh đời mình hoặc việc gì mà giá trị lớn lao vì chân lý. Thí dụ, Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941) đã chấp nhận chết thay cho một bạn tù thời Đức Quốc Xã. Thánh Damien (1840-1889) đã hy sinh phục vụ những người cùi tại Molokai, Hawaii. Ngài đã lây bệnh cùi và chết như một người cùi.  

117 Thánh Tử đạo Việt Nam, tuy nhiên, xét về nguồn gốc quốc tịch, một số đến từ Tây Ban Nha và Pháp. Trong đó gồm:

 

Tây Ban Nha: 11 vị gồm 6 Giám Mục và 5 linh mục dòng Đa Minh.    

Pháp: 10 vị gồm 2 Giám Mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris). 

Việt Nam: 96 vị gồm 37 linh mục và 59 giáo dân – trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 1 phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.   

Các ngài đã bị giết dưới những triều đại sau đây:  

Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 vị.

Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 2 vị.   

Vua Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị.

Vua Minh Mạng (1820-1841): 58 vị.

Vua Thiệu Trị (1841-1847): 3 vị.    

Vua Tự Đức (1847-1883): 50 vị.  

Những cái chết Tử Đạo   

Các vị Tử Đạo nói chung đã bị giết bằng nhiều cách, thời gian đầu của Kitô giáo, đa số các ngài bị đóng đinh, bị chém đầu, một số bị lột da, bị cắt từng miếng, bị nướng trên vỉ sắt, bị bỏ vào vạc dầu sôi, hoặc bị nhốt và chết rũ tù… Cái chết của các vị Tử Đạo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các ngài đã chịu nhiều tra tấn, cực hình và hy sinh mạng sống dưới nhiều hình thức:   

Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có 1 vị. 

Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị. 

Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị. 

Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị. 

Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị. 

Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ, rồi bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị. [4]  

Riêng Chân Phước Andrê Phú Yên (1625-1644), tử đạo tại Gò Xử, Thành Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Nay thuộc giáo họ Phước Kiều, giáo phận Đà Nẵng. Ngài được cho là đã bị đâm sau lưng bằng giáo, trước khi bị chém đầu vào chiều hôm 26 tháng 07 năm 1644.  

Được tôn phong  

Ngành vạn tuế Tử Đạo đã được trao cho các ngài trên Thiên Quốc. Trong số 117 vị tử đạo Việt Nam từ 1745 đến 1862, đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phước qua 4 đợt:     

64 vị do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ngày 27 tháng 5 năm 1900. 

8 vị do Thánh Giáo Hoàng Piô X, ngày 20 tháng 5 năm 1906. 

20 vị do Thánh Giáo Hoàng Piô X, ngày 2 tháng 5 năm 1909. 

25 vị do Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 29 tháng 4 năm 1951.   

Các ngài đã được tuyên phong Hiển Thánh do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19 tháng 6 năm 1988. Thầy giảng Andrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi, cũng được tuyên phong Chân Phước ngày 5 tháng 3 năm 2000 do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.    

Giáo hội Công Giáo khắp thế giới cử hành lễ kính chung cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 24 tháng 11với bậc lễ nhớ theo Lịch Chung RômaRiêng Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể các ngài vào Chúa Nhật giữa tháng 11, trước lễ Chúa Kitô Vua.   

Mừng kính các Thánh Tử Đạo, chúng ta nhớ đến những dòng máu mà các ngài đã đổ ra vì danh Chúa, vì tình yêu mến Ngài. Những dòng máu đức tin. Hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo, máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà nội, trong Thánh Lễ Đại Trào kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện – Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2009, đã suy niệm về ý nghĩa của những dòng máu này: 

 

“Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là những thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì xuất phát từ tình yêu cao quý. Máu dường như tỏa hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.”[5] 

“Hồi chiêng dứt tiếng đầu rơi chốn pháp trường. Hồn thiêng lâng lâng về thiên quốc xa vời. Từ nay thôi những ngày tân khổ u buồn, về quê phúc vinh hưởng nhan Chúa muôn đời”. [6] Xin các Thánh Tử Đạo cầu cho chúng con biết trung kiên sống đức tin, sẵn sàng chấp nhận tử đạo bằng lòng mến Chúa qua những việc thường ngày dù bị gian khổ, vất vả, bắt bớ để cũng như các ngài, ngày sau chung phần vinh phúc trên thiên đàng.  

24 tháng 11 năm 2023

___________  

Tài liệu tham khảo:  

1.Tiếng Nhạc Oai Hùng. Hải Linh

2.Trịnh Việt Yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam

3.https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chan-phuoc-anre-phu-yen-tu-dao-ngay-26-thang-7-nam-1644-48970

4. https://www.tapsanmucdong.net/2018/08/nguoi-cong-giao-da-bi-bach-hai-nhu-the-nao.html

5.https://youtu.be/y6hF93EfCr8Vinh Ca Anh Hùng Tử Đao. Văn Duy Tùng

6.Lòng Trung Nghĩa. Nguyễn Bang Hanh

NHÓM TRỪ QUỶ
HAY "NHÓM CỦA QUỶ"?

"Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc". Tôi đã nghe tên nhóm này từ lâu, và cũng đã đọc qua một số tài liệu, xem một vài băng video của nhóm. Người khen cũng có mà phê bình cũng nhiều, chung qui cũng chỉ vì bốn chữ "tâm linh" hay "mù quáng". Khi niềm tin đặt đúng chỗ, đúng người nó sẽ dẫn ta đi đến một đời sống tâm linh phong phú, thánh thiện, và bình an.  


CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Trong ngày cung hiến đền thờ Giêrusalem, vua Salomon đã thưa với Thiên Chúa rằng: “Trên trời không có đủ chỗ sao lạy Chúa là Thiên Chúa. Làm sao Ngài lại có thể ngự trên trái đất trong ngôi đền mà con đã xây dựng này?” Và ông đã dâng lời cầu xin: “Đây là đền thờ nơi Ngài đã chọn để được thờ phượng. Xin Chúa hãy nhìn đến nó ngày đêm và lắng nghe khi con hướng về đó và cầu nguyện” (1 Các Vua 8:22-26). 


TÔI TIN!

“Tôi tin Giáo Hội duy nhất Thánh Thiện, Công Giáo, và Tông Truyền”.
Dường như đây là những gì mà đức tin và lý trí xung khắc nhau nhất; đặc biệt, đối với Giáo Hội trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Có thật sự Giáo Hội của người Công Giáo là giáo hội duy nhất, thánh thiện và Tông Truyền không?
Xét về phương diện tự nhiên và suy nghĩ bằng lý trí bình thường thì những điều đó xem như hão huyền nếu không muốn nói là cuồng tín..


THÁNG 11: THÁNG ĐỀN ƠN VÀ BÁO HIẾU

Trong các lớp Giáo Lý Tân Tòng, câu hỏi liên quan đến đạo hiếu của người Công Giáo thường được nêu lên, theo đó, đa số các Phật tử cho rằng những người Công Giáo không thắp nhang, cúng bái ông bà, tổ tiên, hoặc cha mẹ đã khuất là một hành vi bất hiếu, lỗi phạm đến những người đã khuất. Và câu trả lời là đạo Công Giáo không chỉ tôn kính, thảo hiếu, biết ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ, cả khi còn sống và sau khi đã qua đời mà hành động này còn là một “lề luật”, một đòi hỏi cần thiết.


KHẨU NGHIỆP!

Câu truyện sau đây được một người thân kể lại có liên quan đến hai chữ “khẩu nghiệp”, với lời nhắn là ai đó, xin đừng tạo nghiệp cho mình bằng cách làm tổn thương người khác. Chị sinh ra trong một gia đình giầu có và đông anh chị em. Tuy cùng cha, nhưng gia đình có nhiều “mẹ”, nên mặc dù anh chị em thương yêu nhau, vẫn không tránh khỏi những khác biệt về tâm lý, suy nghĩ, và hành động. 


“LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ LÀ TẤM VÉ THÔNG HÀNH GIÚP TA VƯỢT THOÁT KHỎI HỎA NGỤC”

Hôm 8 tháng 9 năm 2023 lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, trong lúc nguyện ngắm buổi sáng trước Thánh Lễ, tôi đã dùng cuốn sách Vinh Quang Mẹ Maria (The GLORIES of MARY) của Thánh Alphonsus De Liguori làm tư tưởng cho phần suy niệm. Và tôi đã cùng ngài suy niệm câu: “Đến sau cõi đời này, xin Mẹ cho chúng con được thấy Chúa Giêsu quả phúc của lòng Mẹ” 


CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Theo truyền thống đã có từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội Công Giáo tôn kính 7 Tổng Thần có tên là Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Camael, Jophiel, and Zadkiel. Ba vị đầu là Michael, Gabriel và Raphael 


TẠI SAO THA NHƯNG LẠI KHÔNG QUÊN. LÝ DO?

Sau khi đọc bài “KHI THA THỨ LÀ TỰ THA CHÍNH MÌNH”, một độc giả đã email phản ảnh ý kiến của mình. Ông viết: “Bài học này tôi đã học mãi mà chưa thuộc. Tha đã khó mà quên những điều người khác làm cho mình phải khổ, phải thiệt thòi, hoặc phải mất danh dự thì càng khó hơn”.   


KHI THA THỨ LÀ TỰ THA CHO CHÍNH MÌNH

“Tha thứ là tự tha cho chính mình”. Tư tưởng này xem ra như không hợp với suy nghĩ và lối sống của nhiều người. Làm gì có chuyện tha cho kẻ cướp chồng mình, kẻ phản bội mình vì một người đàn bà khác, kẻ cướp của, giết hại cha mẹ, anh chị em mình, hoặc kẻ tham ô khiến mình phải mất đất, mất nhà, mất việc làm để rồi đến nỗi táng gia bại sản, thân bại danh liệt, gia đình đổ vỡ, con cái nheo nhóc, lâm cảnh tù tội…  


KẺ THÙ CỦA ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN LÀ TÍNH ÍCH KỶ

Hôn nhân là một đời sống hạnh phúc. Nó chính là nền tảng của gia đình, của xã hội, và cả tôn giáo nữa. Bởi đó hôn nhân có rất nhiều kẻ thù. Thoạt nhìn vào những đổ vỡ của hôn nhân, người ta thường cho rằng kẻ thù của nó là những tệ nạn của xã hội: rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, và lăng nhăng trai gái. Một số nguyên nhân khác bao gồm: vợ chồng ghen tương, lười biếng, thiếu trách nhiệm, nếp sống gia trưởng, và bạo hành trong gia đình. 


MỪNG SINH NHẬT MẸ

Hôm nay (8 tháng 9 năm 2023) lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, trong lúc nguyện ngắm buổi sáng trước Thánh Lễ, tôi đã dùng cuốn sách The GLORIES of MARY (Vinh Quang Mẹ Maria) của Thánh Alphonsus De Liguori làm tư tưởng cho phần suy niệm. Trong phần tài liệu, tôi đã đọc bài viết của thánh nhân, và cùng ngài suy niệm câu: “Et Jesum benedictum fructum ventris tui nobis post hoc exilium obstande” 


BÀI GIẢNG LỄ TRỌNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÊN TRỜI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVII

Chư huynh đáng kính trong hàng Giám Mục và Linh Mục
Anh chị em thân mến, Trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat), một thi ca tuyệt vời của Đức Mẹ mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một số từ ngữ gây kinh ngạc. Maria nói: “Từ nay muôn thế hệ sẽ gọi tôi diễm phúc”.


CHÚA BIẾN HÌNH TRÊN NÚI TABOR

Những hình ảnh cổ nhất diễn tả việc Chúa Giêsu biến hình có từ thế kỷ thứ Sáu được tìm thấy trong tu viện St. Catharine ở Siani, đã diễn tả những gì mà thánh ký Matthêu đã ghi lại trên núi. Theo truyền thống thì Chúa Giêsu đã biến hình trên núi Tabor. Đây là ngọn núi cao 575m ở cuối hướng đông của Thung Lũng Jezreel, cách Biển Galilee 18 Km.  


THIÊN CHÚA MỜI GỌI MỖI NGƯỜI CHÚNG TA

Qua Tiên Tri Isaia, Thiên Chúa được diễn tả như một Thiên Chúa đáng yêu, giầu lòng rộng rãi, nhân ái và bao dung. Ngài luôn mời gọi mỗi người chúng ta đến với Ngài. Lời “mời” của Ngài trường hợp này mang hai nghĩa: -Sự thu hút của lời mời. Trong Isaia chúng ta tìm thấy ý nghĩa của sự thu hút ấy qua những lời: Khát nước, đói, đồ bổ, món ăn mỹ vị, bánh, sữa và rượu…  


NHỮNG NGƯỜI VỢ VỀ NGUỒN TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Nếu có dịp đọc tác phẩm “The Surrendered Wife” (Người Vợ Về Nguồn) của Laura Doyle [1], thì cũng giống như phần lớn các độc giả, bạn sẽ bị thu hút vào một cuộc tranh chấp nội tâm: tán thành hoặc phản đối nội dung và triết lý được tác giả trình bày trong đó.  

Trong khi cao trào về nam nữ bình quyền, về nữ quyền đang được đề cao mà có ai đó nói rằng đã đến lúc chị em phụ nữ cần dừng lại để xem xét lại những gì mình đã làm,  


SAU ĐỒNG TÍNH, HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH, VÀ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH CON NGƯỜI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Trong thế giới tự do hiện nay, con người xem như muốn giành lấy quyền làm chủ đời mình. Họ muốn biết lành, biết dữ. Với trào lưu tư tưởng không ngừng phản ảnh đến suy nghĩ và hành động. Thêm vào đó, được tiếp tay bởi truyền thông, sự lạm dụng và khuynh loát của giới chính trị, các chủ thuyết tự do của xã hội, và sự suy sụp về luân lý, đạo đức, những phong trào đồng tính, hôn nhân đồng tính và chuyển giới ngày một trở nên thách đố hệ thống luân lý, luật pháp, trật tự xã hội, đạo đức xã hội và cả Thiên Chúa nữa. 


CHA MẸ BẮT ĐẦU DẠY CON TỪ LÚC NÀO?

Phải bắt đầu dạy đứa trẻ 20 năm trước khi nó chào đời”. Câu nói này được cho là của Napoleon, nhưng quan niệm về tâm lý giáo dục thì cho rằng đứa trẻ không chỉ “sẵn sàng để học”, mà nó đã thực sự học ngay vừa khi chào đời.  

Thời gian gần đây thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc gọi nhờ giúp đỡ hoặc hỏi ý kiến qua điện thoại. Phần lớn những thắc mắc đều quy về hai điểm chính: Hôn nhân và giáo dục con cái.  


NGUỒN HY VỌNG CỦA CHÚNG CON

Những kẻ tà đạo tân thời không thể chấp nhận điều mà chúng ta xưng tụng Đức Maria bằng cách gọi người là hy vọng của chúng ta. Kính chào hy vọng của chúng con, “spes nostra salve”. Họ nói chỉ mình Thiên Chúa mới là hy vọng của chúng ta, và rằng đặt hy vọng của Ngài nơi một tạo vật là làm nhục cho Thiên Chúa. Đức Maria, đối với họ chỉ là một tạo vật, và như một tạo vật, làm cách nào người có thể là hy vọng của chúng ta? Chính vì vậy, thay vì những điều các người tà đạo nói, Giáo Hội đòi hỏi các giáo sỹ, tu sỹ hằng ngày dâng lời thay cho toàn thể các tín hữu kêu cầu Đức Maria bằng một tên gọi hy vọng ngọt ngào của chúng ta, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại: “Kính chào hy vọng của chúng con!”   

TRÁI TIM NHÂN TỪ BỊ ĐÂM THÂU

“Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh dập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu” (Gioan 19:31-37).      

LỄ MẸ THĂM VIẾNG BÀI HỌC CỦA ĐỨC ÁI

Qua trình thuật trên, Thánh Luca đã tỷ mỷ tường thuật về việc Đức Maria đi thăm viếng người chị họ mình là Isave (Elizabeth). Hành động của Mẹ không chỉ nói lên tình cảm thân thiết giữa hai chị em, đặc biệt, trong tình trạng bà Isave đang mang thai lúc tuổi đã cao và ở những tháng cuối. Cuộc thăm viếng này không dừng lại ở khía cạnh tình cảm, nó còn mang ý nghĩa giới thiệu với bà Isave, với bào thai Gioan và cả thế giới một tin vui, đó là chính Đức Maria cũng đang mang thai, mà thai nhi ấy là Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể để cứu chuộc nhân loại.     

CHÚA THÁNH THẦN HƠI THỞ SỰ SỐNG

Lời hứa được trọn vẹn. Thánh Thần được ban xuống trên toàn thế giới, không đơn giản chỉ cho những nhà lãnh đạo và các tiên tri của Do Thái xưa, cũng không loại trừ 120 tông đồ, môn đệ, và Mẹ của Chúa Giêsu, những người đã tụ họp tại Giêrusalem vào lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Kinh nghiệm của 120 người nam nữ này cũng chính là kinh nghiệm của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, sống lại và giờ đây đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chúng ta hãy dừng lại ít phút để suy nghĩ xem chúng ta cảm nhận như thế nào về Tặng Ân của Chúa Thánh Thần.      

TÌNH CẢM VỢ CHỒNG THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN

Tâm lý nhàm chán cho chúng ta lý do để “xét lại”. Theo tâm lý này, người ta có trăm ngàn lý do để đến với nhau, và cũng có trăm ngàn lý do để xa nhau. Một khi tình yêu đã ra nhạt nhẽo, hững hờ, người ta sẽ cảm thấy hối tiếc, thấy phàn nàn, và muốn “thay đổi”. Và hậu quả là đem đến những cám dỗ về ngoại tình, nhất là những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Như Nguyễn Ánh 9, Hồ Dzếnh cũng có một cái nhìn bi quan về một tình yêu chung thủy, hay đúng hơn một sự mơ mộng về cái thuở còn yêu nhau, theo đuổi và tán tỉnh nhau:   


PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON EM KHI BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG

“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Câu nói này hầu như ai cũng đã nghe và đã biết về ý nghĩa của nó. Tuổi trẻ mà không chút phá phách, nghịch ngợm không phải là tuổi trẻ. Nhưng lưu manh, côn đồ, du đãng, và bắt nạt lẫn nhau thì đó là những hành động không thể chấp nhận. Hậu quả của nó còn để lại một hiện tượng xã hội tồi tệ sau này, đó là: “Cá lớn nuốt cá bé!”

Một trong những cái làm căng thẳng nhất đối với một đứa trẻ là sức ép từ bạn bè “peer pressure”. Ai cũng có kinh nghiệm này khi còn là một trẻ em cắp sách đến trường, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, và cả sau này khi đã bước chân vào cuộc sống với những giao tiếp xã hội. 


THÁNH GIUSE THỢ

- Lễ Kính 1 tháng 5

Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô. Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc. Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao? Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao? Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa,  Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện. Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo. Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp. Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hoài thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.


TÓM LƯỢC LỊCH SỬ NHỮNG PHÉP LẠ THÁNH THỂ

“Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”


LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA: QUÀ TẶNG CỦA PHỤC SINH

“Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Khải Huyền 1:17-18). *

Chúng ta vừa nghe những lời an ủi này trong Bài Đọc Thứ Hai trích từ sách Khải Huyền. Những lời mời gọi chúng ta hướng tầm nhìn vào Chúa Kitô, để cảm nghiệm sự hiện diện bảo đảm của Ngài. Đối với mỗi người, trong bất cứ điều kiện nào, dù cho là phức tạp và bi đát nhất, Đấng Phục Sinh đều lập lại: “Đừng sợ, Ta đã chết trên Thập Giá nhưng nay Ta sống đến muôn đời”, “Ta là đấng trước hết và sau hết, và là đấng hằng sống.” 


NGƯỜI KHÁCH LẠ TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS

Theo trình thuật của thánh sử Luca (Lc 24,13-35), hôm đó trên đường từ Giêrusalem về Emmaus có ba người lữ hành. Họ đi bên nhau, chia sẻ những suy tư của mình về một biến cố, theo họ, rất quan trọng và có ảnh hưởng đến không chỉ riêng họ mà còn cả toàn dân Israel nữa. Ba người gồm một người được ghi rõ tên, một người không ghi rõ tên, và một người sau cuối ngày danh tính mới được biết đến. Đây cũng là người, là nhân vật chính trong câu chuyện mà cả ba đã trao đổi suốt dọc đường.    


MẦU NHIỆM PHỤC SINH QUA CHIẾC KHĂN LIỆM  

Anh chị em thân mến,

Đây là thời khắc mà tôi đã từng mong đợi. Tôi đã đứng trước Khăn Liệm Thánh trong nhiều trường hợp khác nhau, nhưng lúc này, qua cuộc Hành Hương này và giây phút này tôi đang cảm nghiệm về nó bằng một cường độ đặc biệt: Có lẽ vì trong những năm vừa qua đã cho tôi cảm nhận nhiều hơn đối với thông điệp của Hình Ảnh phi thường này. Và trên tất cả, tôi có thể nói bởi vì giờ này, tôi ở đây như Đấng Kế Vị của Phêrô, và tôi mang trong tim tôi toàn thể Giáo Hội, đúng ra, toàn thể nhân loại.


SỢ HÃI KHI CON THUYỀN PHÊRÔ GẶP SÓNG GIÓ!

Các nhà chú giải Thánh Kinh đã đếm được 365 lần câu “đừng sợ” (don’t be afraid) trong Kinh Thánh. Nếu một năm 365 ngày chia đều cho 365 lần nhắc nhở “đừng sợ”, thì ít nhất mỗi ngày một lần, Thánh Kinh nhắc bảo con người rằng “đừng sợ!” Vậy, con người sợ cái gì? Và tại sao Thiên Chúa lại phải trấn an con người như vậy? [1]

Thế gian này là một “vũng lệ sầu” như lời trong kinh Lạy Nữ Vương, vì thế cuộc lữ hành đi về vĩnh hằng của con người chính là một hành trình gặp phải rất nhiều sự sợ hãi. Trước hết, con người phải đối diện với những sợ hãi do ma quỷ là loài thần thiêng, nhưng luôn luôn ghen tỵ và tìm mọi cách để làm hại con người. 


CON CÓ BIẾT KHI NGƯỜI TA ĐÓNG ĐINH CHA?!  

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.


NGÔI  MỘ TRỐNG - Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.  

Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.


NHỮNG NGÔI MỘ TRẮNG  

Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?